Thái Bình – Ngay trong tháng 5.2024, tháng cao điểm về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vừa qua, tại tỉnh Thái Bình đã xảy ra 4 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 4 người, bị thương 6 người.
Trong số này, 3/4 vụ việc tai nạn lao động có thương vong xảy ra ở các công trình xây dựng nhà dân đơn lẻ, cho thấy việc đảm bảo an toàn ở những dạng công trình này vẫn còn bị lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
3 người chết, 6 người bị thương tại 3 công trình xây dựng nhà dân
Theo thống kê, rà soát của PV Lao Động, trong tháng 5.2024 vừa qua, trên địa bản tỉnh Thái Bình xảy ra 4 vụ tai nạn lao động, làm chết 4 người, bị thương 6 người.
Trong đó, 3 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 3 người, bị thương 6 người xảy ra khi các nạn nhân đang trong quá trình thi công, xây dựng 3 căn nhà ở đơn lẻ cho người dân ở TP.Thái Bình (2 vụ) và huyện Vũ Thư (1 vụ).
Khoảng 10h ngày 30.5, tại công trình xây dựng nhà ở của gia đình anh Phạm Khắc T (sinh năm 1989, trú thôn Gia Lạc, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư), khi một nhóm thợ xây gồm 2 thợ chính, 1 thợ phụ đều trú tại xã Hồng Lý – là ông Lê Văn B (sinh năm 1973, trú tại thôn Thượng Hộ Bắc), ông Vũ Minh C (sinh năm 1963, trú tại thôn Thượng Hộ Trung) và ông Phạm Xuân Ch (sinh năm 1972, trú tại thôn Thượng Hộ Bắc) đang trát trên mái tầng 2 của công trình thì bất ngờ giàn giáo bị sập.
Hậu quả vụ tai nạn khiến ông Phạm Xuân Ch tử vong; 2 ông Vũ Minh C và Lê Văn B bị thương phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Trước đó, trong các ngày 12 và 14.5, tại 2 công trình xây dựng nhà dân ở phường Tiền Phong và xã Tân Bình (cùng tại TP.Thái Bình) cũng liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.
Vụ việc ở phường Tiền Phong, xe bêtông của Công ty Bêtông Bình Phương đang đổ mái tầng 2 một ngôi nhà trong ngõ trên đường Trần Thủ Độ thì sập cẩu, hậu quả khiến 1 chủ cai thầu xây dựng tử vong, 4 người khác trong nhóm thợ bị thương. Còn vụ tai nạn ở xã Tân Bình, 1 thợ phụ hồ bị ngã từ tầng 2 xuống đất cũng bị tử vong.
Ngày 3.6, trao đổi với PV Lao Động, ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Phòng Lao động – Việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng cộng 14 vụ tai nạn lao động, làm 17 người thương vong (trong đó 8 vụ tai nạn lao động có người chết, làm chết 8 người; bị thương 9 người).
Tai nạn lao động chủ yếu trong khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đã làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người lao động, nhất là trong thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ và sửa chữa máy móc, thiết bị, công trình.
Cần phải không ngừng nâng cao ý thức đảm bảo an toàn lao động
Nói về nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động đáng tiếc nói trên, ông Tăng Quốc Sử cho rằng: “Lao động làm việc khu vực phi chính thức chủ yếu không có hợp đồng lao động, công việc và nơi làm việc đa dạng, ở mỗi vị trí công việc tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm có thể gây ra tai nạn lao động ở mức độ khác nhau. Chủ và thợ làm việc trong khu vực này hầu hết chưa được huấn luyện về ATVSLĐ nên thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn. Người lao động không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc hoặc thiếu quy trình, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro khi làm việc”.
“Người sử dụng lao động quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa chú trọng đến kiểm soát yếu tố nguy hiểm đối với người lao động tại nơi làm việc. Công tác phối hợp quản lý ATVSLĐ tại địa phương, cơ chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều hạn chế; chưa có nhiều biện pháp hiệu quả và nguồn lực đầu tư cho tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động trong khu vực này”, ông Sử nhấn mạnh.
Được biết, nhằm kiểm soát và hạn chế tình hình tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức, nhất là tai nạn trong thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ, thời gian qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo sở, ngành, huyện, thành phố, đơn vị liên quan chấn chỉnh và tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
“Để hạn chế sự cố mất an toàn lao động, tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức, thì người sử dụng lao động phải có kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ để kiểm soát tình hình và nhận biết các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc; tuyên truyền, huấn luyện biện pháp làm việc an toàn cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; phân công người giám sát; không sử dụng các loại máy, thiết bị tự chế, không đảm bảo an toàn để vận chuyển hàng hóa, vật liệu.
Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương cơ sở cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của tỉnh về các nội dung liên quan đến an toàn lao động trong các lĩnh vực, nhất là khu vực phi chính thức, thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ; chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại cơ sở và có biện pháp dừng thi công (cấp phép) đối với những công trình, nơi sản xuất mà ở đó có các yếu tố nguy hiểm, có hại có thể gây tai nạn lao động chưa được kiểm soát”, ông Tăng Quốc Sử – Trưởng phòng Phòng Lao động – Việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình, nói.